Làm sao để học tập khi thấy chán nản

Làm sao để học tập khi thấy chán nản

Chán học là điều dễ xảy ra đối với mọi học sinh, sinh viên, càng lớn tuổi thì càng cảm thấy chán. Nhưng việc học tập thì không thể dừng lại được, nếu không sẽ bị rỗng kiến thức.

Làm sao để bạn vẫn giữ được tiến độ công việc, hiệu suất học tập khi bạn cảm thấy chán nản?

How to “PASS” khi bạn cực kì ghét cay ghét đắng môn học đó? Cảm hứng hay động lực học tập có thể rời khỏi bạn vào một thời kỳ “tự nhiên lười” nào đó. Vậy làm sao để học tập khi bạn không có động lực? Hãy áp dụng 4 bước sau đây cùng mình nhé!

Bước 1: Hiểu rõ cách não bộ bạn vận hành

Hãy hiểu rõ về thói quen học tập, làm việc của bạn! Lúc nào trong ngày là lúc bạn cảm thấy dễ dàng tập trung, có nhiều cảm hứng và tâm trạng ổn định nhất? Tiếp theo, múi giờ nào bạn chỉ muốn nằm lì, không động não? Và cuối cùng cách mọi vật ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn?

Ví dụ:

Hãy ghi lại những sự việc diễn ra trong ngày như hình dưới đây

Sau đó bổ sung dưới mỗi dòng cảm giác của bạn khi thực hiện mỗi nhiệm vụ đó. Điều này giúp bạn:

  • Phân bổ lại các nhiệm vụ của mình tốt nhất theo từng múi giờ trong ngày
  • Hiểu được cách thức làm thế nào để giúp bạn cải thiện lại tâm trạng và trạng thái học tập
  • Lập chiến lược cho những múi giờ bạn cảm thấy muốn “lười”

Bước 2: Thay đổi cách bạn sử dụng ngôn ngữ

“Cách bạn suy nghĩ tạo nên cách bạn hành động”. Vì thế, hãy sử dụng sức mạnh của ngôn ngữ đề phù phép bản thân mình nhé. Bạn có thể tập thay đổi những từ ngữ tiêu cực trong đầu bạn ngay lúc đó thành những từ tích cực hơn. Ví dụ:

Thay vì nói  “ Mình có bài kiểm tra vào tuần tới” nhưng “mình không muốn học”

→  “ Mình có bài kiểm tra vào tuần tới”  “mình không muốn học” → Ừ, rồi sao?

Cách này nghe có vẻ buồn cười. Tuy nhiên, nó cực kỳ dễ thực hiện và hiệu quả. Bạn sẽ cảm thấy tâm trạng của mình tốt hơn hẳn đấy.

Bạn có thể tập thay đổi những từ ngữ tiêu cực trong đầu bạn ngay lúc đó thành những từ tích cực hơn

Bước 3: Xóa bỏ cụm từ “Để mai tính”

Điều khó khăn nhất khi bạn học tập, làm việc với tâm trạng chán nản không phải là làm sao để thực hiện nó tốt mà là: bằng cách nào mà bạn bắt tay vào làm công việc đó.

Bạn có nhớ đến quá trình làm luận văn hay ôn tập kiểm tra của mình chứ? Vào những thời kỳ thiếu động lực này bạn nên áp dụng các gợi ý sau đây.

3.1. Chia các mục tiêu đủ nhỏ để bạn có thể bắt đầu thực hiện được

Đừng suy nghĩ mình sẽ làm những điều “đao to búa lớn” trong thời kỳ này. Tin mình đi, bạn chỉ tự tạo áp lực và sự trì hoãn cho bản thân mà thôi. Hãy giảm mức độ kỳ vọng cho công việc bạn muốn thực hiện và chia nhỏ công việc đến mức bạn có thể thực hiện nó.

Như ví dụ trên, bạn chỉ cần đặt mục tiêu của mình là: Đọc một mục nhỏ hay thậm chí chỉ 1 đoạn trong chương một ngày mà thôi. Sau khi đọc xong bạn có thể tiếp tục hoặc dừng lại.   

Một khi bạn đã có thể bắt tay vào công việc, bạn sẽ khơi gợi lại được trạng thái tập trung vào công việc của bản thân. Đây là bước đầu tiên giúp bạn từ từ tiến gần đến mục tiêu hoàn thành công việc.

Chia các mục tiêu đủ nhỏ để bạn có thể bắt đầu thực hiện được

3.2. Chọn những công việc dễ để xây dựng lại cảm hứng học tập

Một thành công nho nhỏ đủ để khiến bạn cảm thấy hưng phấn như thể chiến thắng một thử thách lớn lao nào đó. Vì thế, bạn có thể chọn thực hiện trước những nhiệm vụ mà bạn thích làm hay những công việc dễ dàng trong thời kỳ này.

Đối với những ngày mất cảm hứng học tiếng Anh, mình thường chọn các nhiệm vụ đơn giản như: Xem Flashcard hay xem phim hài bằng tiếng Anh trước rồi mới đi vào các phần khó hơn như là viết, học ngữ pháp hay luyện phát âm.

3.3. Rút ngắn thời gian học

Thật khó khăn để bạn ngồi vào bàn học, đọc sách và ghi chép trong vòng 2 – 3 tiếng thay vì lướt Facebook, xem Youtube, kiểm tra tin nhắn,…v..v..Vì thế, đừng kéo dài phiên học tập của mình quá lâu. Bạn có thể giới hạn phiên học tập của mình xuống còn từ 25 – 30 phút, sau đó cho phép bản thân “xả hơi” 5 – 10 phút rồi quay trở lại.

3.4. Hoạt động

Khoa học đã chứng minh rằng khi hoạt động cơ thể bạn sẽ tiết ra các chất như: Oxytocin, Endorphin, Adrenaline, Serotonin. Những chất này sẽ tạo cho bạn những cảm xúc vui vẻ và thoải mái.

Vì vậy, vận động nhẹ hay tập thể dục có thể trở thành một liều thuốc tốt giúp bạn xây dựng lại trạng thái tích cực để bắt tay vào công việc đó nhé.

Vận động nhẹ hay tập thể dục có thể trở thành một liều thuốc tốt giúp bạn xây dựng lại trạng thái tích cực đấy

Bước 4: Biến công việc nhàm chán trở nên thú vị

4.1. Chọn cho mình các phần thưởng

Phần thưởng sẽ là chất xúc tác khiến bạn hào hứng hoàn thành nhiệm vụ học tập. Vì thế, hãy động viên bản thân bằng một đồ uống yêu thích, thanh socola ngọt ngào, một cuộc hẹn vào cuối ngày .v..v.. sau khi bạn hoàn thành được những nhiệm vụ khó khăn.

4.2. Đa dạng cách thức bạn học tập

Học cùng một cách thức, tại cùng một nơi và một thời điểm đôi lúc khiến bạn cảm thấy ngán ngẩm vô cùng. Ngoài phần thưởng, để làm cho phiên học tập của mình thú vị hơn bạn có thể tham khảo một số cách sau đây:  

  • Nếu chán đọc sách bạn có thể nghe các bài giảng online thay thế và ngược lại.
  • Làm các bài tập thực hành trong giáo trình, tài liệu tham khảo nếu bạn bắt đầu cảm thấy mệt mỏi với những lý thuyết khô khan.
  • Liên hệ kiến thức mình học được với thực tiễn thay vì chỉ cố gắng học thuộc các định nghĩa.
  • Thay đổi phương thức ghi chép (Đồ thị, mind map, tranh ảnh, …v…v).
  • Chuyển sang học những môn mà mình yêu thích trong vòng 10 – 20 phút sau đó đổi lại các môn mà bạn cảm thấy khó khăn.
  • Học tập và thảo luận vấn đề với nhóm bạn thay vì chỉ học một mình.

Trên đây chỉ là một số điều mà mình đã áp dụng. Ngoài những cách trên, bạn còn có thể sáng tạo ra muôn vàn phương pháp khác phù hợp hơn với bản thân. Vì vậy, hãy bắt tay thực hiện những bước đầu tiên để vượt qua sự chán nản của bản thân bạn nhé. Chúc bạn thành công!

Các bạn có thể tham khảo các bài viết hay về JavaScript tại đây.


Hãy tham gia nhóm Học lập trình để thảo luận thêm về các vấn đề cùng quan tâm.

Bình luận