Nên học Framework JavaScript nào

Nên học Framework JavaScript nào?

Hiện nay, có rất nhiều Framework JavaScript được sử dụng để xây dựng các ứng dụng Web và giao diện người dùng. Chính vì điều này, một số bạn mới bắt đầu học lập trình sẽ có một chút do dự khi đưa ra quyết định “Nên học Framework JavaScript nào” ở thời điểm hiện tại là hợp lý và phù hợp với bản thân nhất.

Trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu cho các bạn một số Framework JavaScript, đưa ra các ưu, nhược điểm của các Framework JavaScript. Từ đó, giúp cho bạn đưa ra quyết định lựa chọn nên học Framework JavaScript nào dễ dàng hơn nhé!

Bài viết tập trung vào các Frontend Framework của JavaScript, còn về Backend thì tất nhiên sẽ học Node.js rồi.

Framework JavaScript là gì?

Nếu như bạn đã từng tiếp xúc với lập trình Web cơ bản thì không thể nào không biết HTML, CSS và JavaScript đúng không nào?

Một trang web chỉ sử dụng HTML, CSS thì trang web đó là trang web tĩnh, chỉ có thành phần giao diện. Khi kết hợp với JavaScript, nó trở thành trang web động, người dùng có thể tương tác với thành phần giao diện, dữ liệu,…

Các Framework JavaScript chỉ đơn giản là đề cập đến các thư viện/trình biên dịch JavaScript hiện đại, được sử dụng để tạo SPA (Single Page Application). Chúng giúp bạn quản lý các dòng code, loại bỏ trùng lặp không cần thiết, tái sử dụng các thành phần và tất nhiên bạn sẽ code nhanh và dễ dàng hơn rất nhiều.

Giờ chúng ta bắt đầu đi lần lượt các Framework JavaScript nhé!

1. React

Nên học Framework JavaScript nào

React là một Framework JavaScript, mã nguồn mở miễn phí để xây dựng giao diện người dùng hoặc các thành phần UI, được tạo ra bởi Jordan Walke vào năm 2013. Cho đến nay, nó vẫn được duy trì và hỗ trợ bởi Facebook và cộng đồng các nhà phát triển khác. Và React là Frontend Framework được tải xuống và sử dụng phổ biến nhất hiện nay.

React sử dụng DOM ảo, nó so sánh DOM ảo với DOM thực và nếu có mâu thuẫn, nó sẽ cập nhật DOM thực để khớp với DOM ảo chỉ khi có sự không nhất quán (khi trạng thái của ứng dụng hoặc dữ liệu thay đổi). React sử dụng JSX (JavaScript với XML), do đó chúng ta có thể khai báo và viết HTML ngay bên trong JavaScript.

Ngoài JSX, React còn sử dụng JavaScript thuần vì vậy việc học React rất đơn giản. Nó còn hỗ trợ Class và Component giúp bạn tái sử dụng các đoạn mã. Để dữ liệu được chặt chẽ hơn, bạn hoàn toàn có thể thay thế JavaScript bằng TypeScript.

Khi đã làm quen được với React, việc học thêm React Native để phát triển các ứng dụng di động hoàn toàn đơn giản vì chúng tương tự nhau.

Ưu điểm của React

  • Bạn hoàn toàn có thể xây dựng một ứng dụng Web với giao diện đơn giản trong vòng 2-3 tuần kể từ lúc bắt đầu học
  • React cho phép bạn chọn mô hình mà bạn sẽ triển khai trong việc xây dựng ứng dụng Web như MVC, MVM, MVVM,…
  • React là Frontend Framework được sử dụng nhiều nhất nên tài liệu học React rất nhiều và không thiếu các công ty tuyển React trong thời điểm hiện tại

Nhược điểm của React

  • JSX có thể khiến bạn quay cuồng trong vài giờ nếu bạn chưa quen với nó
  • Cấu trúc của React chưa được chặt chẽ, khi ứng dụng càng lớn sẽ gặp nhiều trở ngại
  • Mới đầu, học React có vẻ khá dễ nhưng khi tìm hiểu sâu và master Framework này có lẽ là một điều không dễ dàng

Xem thêm: ReactJS là gì? Tại sao ReactJS lại được sử dụng nhiều?

2. Angular

Angular là một Framework JavaScript “siêu anh hùng” được xây dựng để tạo các ứng dụng Web phức tạp và nâng cao. Angular được Misko Hervey tạo ra vào năm 2009. Cũng giống như React, Angular cũng có một ông lớn chống lưng, đó là Google.

Nên học Framework JavaScript nào

Ban đầu, Angular ra mắt có tên là AngularJS (phiên bản 1) đã làm chấn động cộng động lập trình viên, nó mở ra hướng đi mới cho công nghệ phát triển Frontend. Nhưng đến khi React ra mắt, AngularJS dần như nép về so với đàn em. Vì vậy, AngularJS được cập nhật phiên bản mới, đổi tên thành Angular (phiên bản 2). Phiên bản này hoàn toàn khác biệt so với AngularJS về cách hoạt động, tư duy.

Cho đến nay, các phiên bản Angular đều được cập nhật thường xuyên, mới nhất là phiên bản 12.

Angular cung cấp khả năng ràng buộc dữ liệu ở cả hai chiều và nó được xây dựng trên TypeScript. Vì vậy, bạn dường như không phải lo về các vấn đề lỗi lặt vặt về kiểu như khi sử dụng JavaScript. Nó giúp giảm kích thước của các file và tăng hiệu năng và khả năng tương thích khi sử dụng trên máy tính và điện thoại.

Ưu điểm của Angular

  • Sử dụng TypeScript là ngôn ngữ mặc định
  • Cấu trúc rõ ràng, chặt chẽ, thường được các công ty, tập đoàn lớn sử dụng
  • Được Google đảm bảo hỗ trợ lâu dài nên việc mở rộng, nâng cấp là điều chắc chắn
  • Lúc đầu, Angular có vẻ khó tiếp cận nếu thiếu người hướng dẫn nhưng tin mình đi, trái ngược với React, càng học Angular bạn sẽ càng cảm thấy dễ

Nhược điểm của Angular

  • Cấu trúc của Angular quá chặt chẽ nên điều này sẽ gây phiên toái cho một số người không thích làm theo khuôn mẫu
  • Đường cong học tập của Angular khá dốc nên có thể gây chán nản cho bạn lúc mới đầu
  • Việc tìm kiếm một công việc sẽ khó hơn React vì thường phải là các công ty lớn thì họ mới sử dụng Angular

Xem thêm: Angular là gì? Ưu điểm và nhược điểm của Angular

3. Vue

Nên học Framework JavaScript nào

Vue.js là một Framework JavaScript dùng để xây dựng giao diện người dùng. Không giống với các framework nguyên khối, Vue được thiết kế theo hướng phát triển ứng dụng theo từng bước. Nếu kết hợp với những kĩ thuật hiện đại như SFC (Single File Components) và các thư viện khác, Vue cũng có thể xây dựng các ứng dụng đơn trang SPA.

Được tạo bởi Evan You vào năm 2014, Vue không có sự hỗ trợ từ các tập đoàn lớn. Tuy nhiên, Vue lại có một cộng đồng lớn các nhà phát triển ủng hộ ở nước nhà Trung Quốc. Có thể nói, Vue thực sự dễ học, dễ hơn rất nhiều so với React và Angular. Nó hội tụ đầy đủ các tính năng của một Frontend Framework hiện đại.

Ưu điểm của Vue

  • Dễ học, nhiều tài liệu, có cả tiếng Việt, cộng đồng lớn
  • Sự kết hợp tuyệt vời giữa Angular và React
  • Có thể sử dụng ngôn ngữ JavaScript hoặc TypeScript

Nhược điểm của Vue

  • Tuổi đời thấp do chỉ mới nổi gần đây
  • Khả năng xây dựng các ứng dụng phức tạp thấp hơn so với Angular

Xem thêm: Vue.js là gì? Ưu và nhược điểm của Vue.js

4. Svelte

Svelte là một “đứa trẻ mới lớn” cũng mới nổi trong các Framework JavaScript. Tuy nhiên, nó có một số tính năng thú vị, được Rich Harris xây dựng vào năm 2016.

Nên học Framework JavaScript nào

Svelte đổi mới trong cách thức hoạt động, thay vì là một thư viện, Svelte là một trình biên dịch. Điều này có nghĩa là Svelte giúp biên dịch các cú pháp đặc thù mà bạn viết từ Svelte sang HTML, CSS, JavaScript thuần tại thời điểm build, giúp tăng hiệu suất nhờ giảm các bước xử lý từ phía client.

Svelte rất dễ học, dễ hơn nhiều so với Vue hoặc React. Vì quan niệm của tác giả là “Việc sử dụng DOM ảo để xử lý giao diện người dùng không hoàn toàn nhanh như những gì chúng ta đang lầm tưởng” nên bạn không cần phải quan tâm đến tốc độ của Svelte. Cơ chế quản lý trạng thái của ứng dụng cũng là điểm nổi bật của Framework này.

Ưu điểm của Svelte

  • Nhanh, nhắc lại là rất nhanh
  • Cú pháp dễ học, code ngắn cũn

Nhược điểm của Svelte

  • Quá mới nên thiếu cộng đồng và tài liệu
  • Khó tìm kiếm một công việc liên quan đến Svelte, nếu có cũng yêu cầu ở trình độ cao

5. jQuery

Nên học Framework JavaScript nào

Đối với những bạn mới học JavaScript, chắc chắn các bạn đã từng nghe đến jQuery rồi phải không. jQuery là cái tên kì cựu trong làng Framework JavaScript. Liệu jQuery còn đáng để học không?

Mời bạn tham khảo jQuery đã lỗi thời chưa?

Vậy nên học Framework JavaScript nào?

Theo mình, việc lựa chọn nên học Framework JavaScript nào nên dựa trên 3 tiêu chí:

  • Đường cong học tập: thời gian mà bạn sử dụng để học và thành thạo Framework đó
  • Cộng đồng đứng sau Framework đó có đông đảo và tài liệu học tập như document, sách, khoá học có sẵn hay không
  • Số lượng công việc đòi hỏi kiến ​​thức và kỹ năng làm việc với Framework đó

Tất nhiên, mọi sự so sánh đều là khập khiễng bởi “Chỉ có người trong cuộc mới hiểu người trong kẹt!” mà thôi. Vì vậy, hãy đưa ra quyết định đúng đắn nhất để tránh lãng phí thời gian, công sức nhé. Nếu có gì không hiểu hay cần giải đáp, bạn có thể comment phía dưới bài viết. Cảm ơn bạn đã đọc!

Các bạn có thể tham khảo các bài viết hay về JavaScript tại đây.


Hãy tham gia nhóm Học lập trình để thảo luận thêm về các vấn đề cùng quan tâm.

CẨM NANG LẬP TRÌNH CĂN BẢN CHO NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *