Những câu hỏi cần trả lời trước khi học lập trình

Những câu hỏi cần trả lời trước khi học lập trình

Nếu bạn đã từng có một thời gian, hoặc ngay lúc này băn khoăn về con đường nghề nghiệp. Sau một thời gian chọn lựa mà 90% là dựa vào lời khuyên của ai đó, bạn chọn học lập trình vì nó là nghề hot hiện tại. Nhưng khoan, đó có phải là điều bản thân bạn muốn không hay đó chỉ là trong lúc nhất thời và thời gian gấp gáp mà phải đưa ra 1 quyết định.

Mình hiểu cái cảm giác không biết phải thi vào đâu, học ngành gì mỗi khi sắp xong lớp 12 và chuẩn bị thi đại học, cái cảm giác khủng khiếp mà ai cũng một lần từng trải. Lúc đó, có lẽ là khoảng thời gian mà áp lực thi cử và suy nghĩ về tương lai lớn đầu tiên trong cuộc đời.

Với sự từng trải và một chút hiểu biết của mình, hy vọng qua bài viết này đem đến cho những bạn đi sau có một cái nhìn khả quan và biết tự đánh giá rằng bản thân có phù hợp với nghề này không.

Bây giờ, hãy nói về những thứ chắc chắn thành luật mà bạn cần nhìn nhận trước khi đến với câu hỏi “Mình có hợp với nghề lập trình không?”

Câu hỏi 1: Bạn có biết ngành lập trình ở Việt Nam là làm gì không?

Xin trả lời đơn giản thế này, ngành lập trình ở Việt Nam chủ yếu là code thuê cho các doanh nghiệp nước ngoài (gia công phần mềm) và làm start-up (khá ít).

Hướng 1 – làm cho doanh nghiệp: Nếu bạn làm lập trình viên, sau khi tốt nghiệp bạn sẽ phải đi xin việc ở một công ty làm gia công phần mềm. Sau đó nếu được nhận, bạn sẽ được đưa vào 1 team nào đó tùy theo ngôn ngữ, nền tảng bạn được học hay bạn có đam mê.

Cũng có thể bạn sẽ được đưa vào team nào đó bạn không đam mê nhưng công ty cần bạn cho vị trí đó (bullshit) và bạn sẽ được training (99% tự học và hỏi teammate bên cạnh).

Hàng ngày 8h sáng đến 5h chiều ngồi trước máy tính và thực hiện task được giao bởi người chịu trách nhiệm cao hơn, và tất nhiên trách nhiệm của bạn là hoàn thành task được giao trước hoặc đúng thời hạn.

Hướng 2 – start-up: Start-up là gì? Đó là khởi nghiệp, tạo ra doanh nghiệp cho chính bản thân mình, do mình làm chủ. Theo như thống kê thì có tới 95% dự án khởi nghiệp là thất bại, nhưng đó lại là thứ khiến cho những lập trình viên luôn luôn mơ về mỗi khi nhắc đến. Vì sao ư, vì nếu thành công thì bạn sẽ giàu có và nổi tiếng.

Ví dụ như Mark Zuckerberg ông chủ của facebook, là một lập trình viên thành công với start-up của chính mình. Công việc chính của bạn là tạo ra một sản phẩm và đưa nó đến với người dùng. Hàng ngày suy nghĩ cách nuôi nó lớn lên để thành một doanh nghiệp, sau đó điều hành và quản lý để phát triển lớn hơn nữa.

Câu hỏi 2: Bạn có đam mê với ngôn ngữ lập trình?

Bạn có yêu lập trình không? Chắc chắn là rất khó trả lời được câu hỏi này ngay lúc mà bạn suy nghĩ về nó. Bởi vì ngay lúc đó có nhiều thứ gây hoang mang, chuyện thi cử, đậu và rớt, học đại học, nghề gì dễ xin việc,… quá nhiều thứ.

Nhưng hãy bình tĩnh lại, suy nghĩ về việc học lập trình với môn tin học mà bạn đã được học. Bạn có thích ngôn ngữ lập trình không, có cảm thấy muốn làm việc với nó không hay chỉ là do trường bắt buộc học, hay do bạn bè thích nó nên mình cũng thích.

Có thể là ở cấp 3, các bạn chưa có được định hướng rõ ràng về ngành nghề và việc coi nó là một môn học phụ cũng gây ít nhiều cản trở cho việc tiếp cận với ngành lập trình.

Tuy nhiên, nếu bạn có ý định theo đuổi nó, suy nghĩ đó thực sự rất quan trọng để đi đến kết luận bạn có hợp với lập trình hay không, và đừng quyết định gượng ép mình vào nó chỉ vì những lý do ngớ ngẩn.

Đến với lập trình cần phải là đam mê, đừng đến bằng suy nghĩ bạn phải làm mà thay vào đó là bạn muốn làm việc bằng ngôn ngữ lập trình.

Câu hỏi 3: Bạn có làm việc chỉ vì tiền?

Không thể phủ nhận, lập trình viên dễ kiếm việc và lương cũng tốt hơn nhiều ngành nghề khác. Nhưng đó có phải là động lực duy nhất để bạn chọn đến với nghề này không? Nếu tiền thú vị hơn các vấn đề bạn cần giải quyết, hay tiền thú vị hơn việc học các ngôn ngữ mới và giải quyết vấn đề thì mình nghĩ bạn không nên học lập trình.

Lập trình không phải là một nghề nên được theo đuổi nếu bạn chỉ làm muốn làm điều đó vì tiền, có lẽ một nghề nghiệp khác sẽ phù hợp hơn, nơi sẽ cho thu nhập khá hơn nhiều.

Có rất nhiều người giàu vì lập trình, nhưng chắc chắn một điều là họ không đến với lập trình bằng việc nghĩ đến tiền đầu tiên. Tiền chỉ là hệ quả tất yếu của việc đam mê lập trình và đem đam mê đó vận dụng vào để tạo ra giá trị.


Lập trình là một bức tranh, nơi bạn có điều kiện để suy nghĩ về vấn đề hiện nay ở một hướng giải quyết khác. Mình vẫn đang học lập trình nhưng cũng đã từng đứng ở vị trí giống các bạn hiện nay, đó là nỗi băn khoăn với nghề.

Nếu câu trả lời của bạn là “Dạ vâng, em rất đam mê với nghề lập trình này, em thích nó lắm”, thì bây giờ đã đến lúc bạn nên nhận ra là niềm đam mê không phải đến từ việc qua vài câu nói của một ai đó (là mình chẳng hạn) và bạn quyết định  hay không.

Điều mình nói có thể đúng với ai đó và không đúng với bạn nên đừng kết luận vội vàng vậy. Chỉ nên xem đây là một lời khuyên, một sự tham khảo, quyết định là ở bạn.

Các bạn có thể tham khảo các bài viết hay về JavaScript tại đây.


Hãy tham gia nhóm Học lập trình để thảo luận thêm về các vấn đề cùng quan tâm.

Bình luận