NỘI DUNG BÀI VIẾT
Thật tình cờ và cũng bất ngờ, mình không có dự định viết bài này. Chẳng may, khi đi ngồi cà phê mình lại quên béng mất cuốn sách ở nhà và mình bắt đầu tìm một việc để làm. Đó là lý do bài viết này ra đời. Hôm nay mình muốn chia sẻ với các bạn những điều mình đúc rút được sau gần 3 năm làm CTO của một công ty khởi nghiệp về công nghệ.
Con đường sự nghiệp của một CTO mà rất nhiều đồng nghiệp cũng đồng ý với mình luôn luôn có xuất phát điểm thấp. Tức là bạn không sinh ra một đã là một CTO ngay. Với công ty công nghệ nói chung, dòng code đầu tiên có lẽ là thứ bạn nhớ nhất. Bạn cũng sẽ phải trải qua khá nhiều vị trí như Thực tập, Fresher, Senior, Tech Lead… rồi đến CTO.
Ở đây mình đang nói đến con đường mà đại đa số CTO đều đi qua, chứ không tính CTO tự phong. Còn nếu muốn làm CEO thì dễ hơn nhiều, bạn đi đăng ký một công ty, đủ 18 tuổi là bạn có thể làm CEO được rồi.
CTO là lãnh đạo của thế kỷ 21
Bạn có tin vậy không? Mình hoàn toàn không nói đùa đâu, kỷ nguyên mới (CMCN 4.0) là thời kỳ dành cho các CTO và các Giám đốc kỹ thuật số (CDO). Với sự chuyển dịch ngày càng mạnh từ các phương thức kinh doanh truyền thống sang các nền tảng kỹ thuật số (Platform, Cloud, IoT, AI…) đã khiến cho vài trò của các lãnh đạo kỹ thuật ngày một quan trọng.
Họ thường đứng ở hậu trường nhưng sức ảnh hưởng của họ vô cùng to lớn. Họ tạo ra thế mạnh “khó đỡ” cho doanh nghiệp của mình bằng sức mạnh của công nghệ số. Nếu để ý, các lãnh dạo của những công ty hàng đầu thế giới (Facebook, Google, Microsoft, Tesla, Tiktok…) đều xuất phát điểm là những chuyên gia về công nghệ.
Cho dù họ không là chuyên gia công nghệ, thì đồng hành bên họ luôn là một chuyên gia tầm cỡ về công nghệ. Chắc bạn đã từng nghe việc Founder của Uber năm lần bảy lượt mời chú Thuận Phạm về làm CTO của Uber chứ? Trong giới khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam hiện nay, rất nhiều công ty đang thiếu vắng vị trí lãnh đạo công nghệ.
Như Logivan, Startup về vận tải cũng mất nhiều tháng để tìm CTO cho mình, và theo mình thì đấy là điều sống còn của Startup này. Một công ty công nghệ mà không có lãnh đạo công nghệ sẽ khó thuyết phục các nhà đầu tư tiếp tục rót tiền.
CTO là Master of builder
Từ “Master of builder” mình mượn của anh Lê Minh Nghĩa (Director of Marketplace System @ TIKI), tức là CTO phải là người thực sự hiểu việc xây dựng hệ thống kỹ thuật số. Mình biết rất nhiều CTO chỉ chuyên sâu vào 1 lĩnh vực công nghệ (AI, Cloud, Web…) nhưng lại thiếu vắng kiến thức để xây dựng một hệ thống hoàn chỉnh từ đầu.
CTO cần là người hiểu rất rõ hệ thống theo cả hướng Top Down và Bottom Up. Bạn không cần quá hiểu AI làm việc như thế nào, nhưng bạn cần hiểu AI trong cả hệ thống sẽ làm việc với cái gì, kết quả ra sao, giao tiếp với cái gì… Túm lại, CTO phải là một Engineer thực thụ. CTO không phải là một người chỉ tay năm ngón, nhất là thời kỳ sản phẩm, hệ thống còn sơ khai, CTO cần là người đặt những viên gạch đầu tiên.
CTO là người vạch ra chiến lược công nghệ
Trong một tổ chức, tầm nhìn là thứ quan trọng nhất và gắn liền với tổ chức đó trong một thời gian dài. Chiến lược là cách thức đưa tổ chức đạt được tầm nhìn đó. CTO là lãnh đạo công nghệ, định hướng chiến lược công nghệ để giúp tổ chức đạt được tầm nhìn đặt ra.
Nhất là trong công ty công nghệ, công nghệ được sử dụng làm chiến lược cạnh tranh. Bởi vậy, trong cuộc chiến giành giật nhân tài, những lãnh đạo công nghệ luôn là mục tiêu số một. Chiến lược công nghệ không phải là chạy theo công nghệ. Thực vậy ở thời điểm đầu của một sản phẩm công nghệ, time to market (tốc độ ra thị trường) là thứ vô cùng quan trọng.
Người CTO cần hiểu được rằng, hàm lượng công nghệ mới tại thời điểm này có thực sự cần nhiều hay không? Nếu sử dụng công nghệ mới thì thời gian ra thị trường sẽ là bao lâu? Team của mình có sẵn sàng với công nghệ này hay không? Tổ chức có nên Outsource không? Với time to market như vậy thì làm bao nhiêu là đủ đáp ứng hoạt động kinh doanh?
Mình biết nhiều tổ chức, CTO quá say mê với công nghệ mới hoặc quá cầu toàn khiến cho chiến lược kinh doanh bị trục trặc, time to market của sản phẩm bị kéo dài, tiền của bị tiêu tốn quá nhiều. Hãy luôn ghi nhớ “done is better than perfect”, mà kỳ thực trong thế giới công nghệ chẳng có gì là perfect cả. Tới giai đoạn tăng trưởng, CTO cần vạch ra chiến lược cho sự tăng trưởng.
Lúc này, việc áp dụng công nghệ mới, phức tạp bắt đầu cần thiết. Nó không chỉ giải quyết bài toán về tăng trưởng của kinh doanh mà còn giải quyết bài toán cạnh tranh bằng công nghệ. Trong lĩnh vực Ecommerce, người ta kháo nhau rằng “thời gian đáp ứng của hệ thống tỉ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng của kinh doanh”, tức là hệ thống càng nhanh thì kinh doanh sẽ càng tốt lên và ngược lại.
Đây là thời điểm CTO cần cùng đội ngũ công nghệ cùng ngồi nhìn lại xem, chúng ta nên làm gì tiếp theo để đáp ứng tốc độ tăng trưởng của kinh doanh. Hãy nhớ rằng “right time” luôn luôn quan trọng nhất, cho dù đó là kinh doanh hay công nghệ.
Là người đạp phanh
Các lãnh đạo trong HĐQT, các Giám đốc điều hành (CEO) luôn luôn là những người mơ mộng. Bạn sẽ thấy họ luôn phát biểu nhiều thứ về CMCN 4.0, AI, Big Data, IoT… Tuy nhiên, là Lãnh đạo công nghệ bạn phải đạp phanh của họ. Là người am hiểu về công nghệ và sự biến đổi của môi trường kinh doanh, bạn là người hiểu rõ rất giá trị của công nghệ tác động tới hoạt động kinh doanh cũng như giới hạn của những công nghệ hiện tại.
Đầu tư vào làm chủ công nghệ hoặc nghiên cứu các công nghệ mới luôn là một khoản đầu tư rủi ro cho bất cứ doanh nghiệp nào. Vì vậy, bạn cần là người đạp phanh và tư vấn về chiến lược công nghệ cho các HĐQT, Giám đốc điều hành và giám đốc bộ phận khác.
Là người tháo nút
Đôi khi, việc đầu tư vào công nghệ là việc sống còn của một doanh nghiệp, nhất là các công ty công nghệ. Việc đầu tư vào các công nghệ mới không còn là tùy chọn mà là bắt buộc với tổ chức của bạn. Trong trường hợp này, bạn lại cần một chiến lược cho chính chiến lược công nghệ của mình, và là người tháo nút cho chiến lược của công ty. Lúc này, việc xác định phải làm gì là do HĐQT quyết định, còn làm như thế nào là việc bạn cần phải tính.
CTO phải là một Businessman
Nếu bạn là CTO, hãy luôn nhớ rằng mình phải có tinh thần doanh nhân. Điều này ngụ ý rằng, bạn phải tham gia vào hoạt động lên chiến lược cho tổ chức và thực thi chiến lược đó. Bạn cần phải là người hiểu rõ sự tác động của công nghệ tới quá trình kinh doanh của tổ chức.
Nếu không có tinh thần doanh nhân, có lẽ bạn sẽ không thể vạch ra được chiến lược công nghệ đúng. Mình biết rất nhiều tổ chức tiêu tốn hàng triệu đô la cho những lãnh đạo công nghệ không có tinh thần doanh nhân. Tuy nhiên, nếu đã có tinh thần doanh nhân thì không có nghĩa rằng bạn sẽ bất chấp tất cả để đạt được mục tiêu kinh doanh.
Bởi vì, theo một thống kê thì đầu tư công nghệ trong 50 năm trở lại đây tăng gấp 10 những giá trị mang lại (tính theo GDP) chỉ tăng gấp 2 lần. Là một lãnh đạo công nghệ, dù là ở tổ chức công nghệ hay tổ chức truyền thống, bạn cần nhìn nhận rằng công nghệ chỉ là một công cụ để đạt được mục tiêu kinh doanh.
Bên cạnh công nghệ, rất nhiều yếu tố khác cần được quan tâm như thời gian, khách hàng, kinh tế vĩ mô… Tất cả những biến số đó mới giúp tạo lên một tổ chức thành công. Trong thời đại hiện nay, việc tìm được một khách hàng rất khó, lãnh đạo công nghệ cần thấu hiểu rằng công nghệ phải đem lai giá trị cho khách hàng trước, rồi khách hàng đó sẽ đem lại giá trị cho tổ chức.
Mọi chiến lược chỉ để thỏa mãn cái tôi chinh phục của các lãnh đạo công nghệ, sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc của tổ chức mà có khi lại không tạo ra giá trị gì. Hãy nhớ rằng “Profit first” mới là chiến lược đúng đắn, không phải “Technology first”.
CTO là người lãnh đạo
Cuối cùng, CTO cũng phải là một người lãnh đạo. Nếu chỉ làm việc một mình, thì bạn không phải là CTO. Mình đã nhắc lại khá nhiều lần rằng “CTO là một lãnh đạo công nghệ”. Mình không muốn bàn quá nhiều về lãnh đạo, vì mỗi người, mỗi tổ chức có một văn hóa và cách lãnh đạo riêng. Tuy nhiên, có một vài điểm mình nghĩ CTO ở bất kỳ tổ chức nào cũng cần phải làm, đó là:
Đào tạo
Kỹ năng học là kỹ năng quan trọng nhất của thế kỷ 21 thì theo mình đào tạo là kỹ năng đứng thứ 2. Đào tạo luôn luôn phải nằm trong chiến lược của công ty, và nếu là CTO thì bạn cũng cần phải thấm nhuần tư tưởng đó. Chẳng phải tự nhiên, trong thẻ điểm cân bằng người ta coi L&D (đào tạo và phát triển) là một trong 4 khía cạnh quan trọng nhất của tổ chức.
Việc đào tạo giúp cho đội ngũ của bạn bắt kịp với sự thay đổi của môi trường kinh doanh và công nghệ. Người mới cần được đào tạo và dẫn dắt, nếu chỉ chú trọng vào phát triển khía cạnh kỹ thuật của bản thân mà thiếu đi sự dìu dắt cho Team của bạn sẽ dẫn tới sự khập khiễng trong năng lực kỹ thuật và Team của bạn sẽ không thể sẵn sàng cho các trận đánh lớn được. Ngoài ra đào tạo cũng là một yếu tố khiến cho nhân viên gắn bó với tổ chức hơn.
Lập kế hoạch
Nếu học tập và đào tạo là kỹ năng số 1 và 2 thì lập kế hoạch sẽ là kỹ năng quan trọng thứ 3.
“Failing to plan is planning to fail – Benjamin Franklin”
Nếu có tầm nhìn và chiến lược nhưng thực thi lại không đúng sẽ đưa tổ chức đi sai hướng. Việc đầu tiên của quá trình thực thi chính là lập kế hoạch. Nhà lãnh đạo công nghệ cần phải biết mình và nhóm phải làm việc gì, vào thời điểm nào để đưa tổ chức đi đến đó bằng sức mạnh công nghệ của mình. Điều này cần phải theo sát chiến lược công nghệ đã nói ở trên.
Giao tiếp
Giao tiếp luôn là một kỹ năng quan trọng nhưng lại thường bị coi thường bởi các lãnh đạo công nghệ. Các lãnh đạo công nghệ hay là các Geek, Guru và việc giao tiếp với họ là rất khó. Việc giao tiếp không tốt sẽ dẫn đến việc truyền tải thông tin khó khăn, sai lệch và mang lại hậu quả vô cùng to lớn trong thời đại thông tin ngày nay.
Việc chú trọng vào giao tiếp sẽ giúp các lãnh đạo công nghệ giảm thiểu được sai lầm trong việc gia quyết định và quản lý cũng như làm việc với nhóm.
Nguồn: https://viblo.asia/p/nhung-dieu-minh-hoc-duoc-sau-3-nam-lam-cto-cong-ty-cong-nghe-WAyK89QoZxX
Các bạn có thể tham khảo các bài viết hay về JavaScript tại đây.
Hãy tham gia nhóm Học lập trình để thảo luận thêm về các vấn đề cùng quan tâm.