Lập trình viên kiếm tiền như thế nào

Lập trình viên kiếm tiền như thế nào?

Dù đam mê công việc tới đâu thì bạn vẫn phải ăn, mặc, đóng đủ các thể loại phí như tiền nhà, tiền xăng xe, tiền quà cáp,… Trong bài viết này, mình sẽ đề cập đến cách mà một lập trình viên kiếm tiền như thế nào?

1. Đi làm ở công ty

Học xong, ra trường, tìm một công ty để làm việc và nhận lương hàng tháng là cách kiếm tiền cơ bản nhất của một lập trình viên. Mình cho rằng đây là cách kiếm tiền an toàn nhất trong số các cách được nêu trong bài viết này.

Đi làm tại công ty, thường bạn sẽ có thu nhập ổn định hàng tháng, vì các công ty tuyển lập trình viên thường sẽ trả lương cố định, một số công ty có chính sách thưởng thêm hàng tháng, nhưng cuối cùng, thu nhập chính sẽ vẫn là khoản lương cố định của bạn.

Đi làm tại công ty, bạn sẽ được hưởng thêm các chính sách cơ bản như nghỉ phép (thường là 12 ngày mỗi năm), thưởng tết (thường là 1 tháng lương), đóng bảo hiểm, review lương định kỳ (thường là 6 tháng một lần), du lịch hàng năm.

Một số công ty còn có các chính sách đặc biệt hơn như thưởng tết 2 – 4 tháng lương, thưởng tất cả các ngày lễ trong năm, phụ cấp ăn trưa, phụ cấp đi lại,…

Đi làm tại công ty, bạn cũng không cần phải quá lo lắng về tình hình thị trường, tình hình đối thủ, lo không có việc,… bạn chỉ cần tập trung cho công việc của mình 8h mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần.

Đến công ty làm việc, hết giờ thì đi về, cuối tuần thì làm việc mình thích. Đôi khi phải làm thêm giờ để chạy kịp tiến độ, nhưng suy cho cùng vẫn dễ chịu.

Đi làm tại công ty, cũng là cách để học tập hiệu quả, vì bạn có thể học được nhiều điều từ sếp, từ đồng nghiệp xung quanh. Đương nhiên, vẫn có trường hợp là bạn gặp phải sếp dỏm, đồng nghiệp dỏm, nhưng ít thôi, và số bạn chắc không đen đến vậy.

Đi làm tại công ty, nếu biết cách phấn đấu và có mục tiêu rõ ràng, bạn sẽ nhanh chóng được bổ nhiệm các vị trí cao hơn, với mức thu nhập khá hơn. Ngược lại, nếu bạn không tiến bộ, không chịu cập nhật bản thân thì sớm muộn bạn cũng sẽ bị đào thải, vì đơn giản, họ không cần “người có kiến thức lỗi thời” như bạn.

“Liều thì ăn nhiều”, với cách kiếm tiền an toàn này, mức thu nhập cũng không cao lắm. Với các bạn mới ra trường, ít kinh nghiệm thì mức thu nhập cũng loanh quanh 8 – 12 triệu mỗi tháng (có thể cao hoặc ít hơn, nhưng thường trong khoảng này).

Nếu sống ở các thành phố đắt đỏ như Hà Nội, TP.HCM, thì nhiêu đây chỉ giúp bạn đủ sống và có một chút “của để giành”, phòng khi ốm đau, đám cưới, tiệc tùng. Ngay cả với các bậc lão làng, thì mức thu nhập cũng chỉ khoảng 2 – 3 nghìn đô (khoảng 20 – 60 triệu) mỗi tháng.

Đây là hình thức “make money” được nhiều lập trình viên sử dụng nhất.

2. Làm Freelancer

Freelancer chỉ những người làm công việc tự do, có thể linh hoạt thời gian làm việc.

Có một số lượng không nhỏ các lập trình viên là các freelancer, họ có thể là sinh viên muốn kiếm việc làm thêm, hoặc một anh dev dày dặn kinh nghiệm nào đó muốn kiếm thêm việc vào buổi tối.

Các công việc freelance cũng đa dạng, có thể là fix một bug nào đó, hoặc xây dựng một website bán hàng trên wordpress,… Nói chung, nó là công việc dạng “thuận mua vừa bán”, một khách hàng A có nhu cầu X với ngân sách Y, nếu bạn thấy phù hợp, bạn có thể nhận công việc đó để làm.

Rất nhiều khách hàng thích thuê các freelancer làm việc hơn là các công ty chuyên nghiệp, vì các freelancer thường nhận giá thấp hơn, thủ tục cũng nhanh gọn. Bạn có thể tìm thấy các công việc freelance tại các trang web chuyên về việc freelance như: vlance.vnfreelancer.comupwork.com.

Làm freelance có ưu điểm lớn nhất là thời gian làm việc linh hoạt, bạn thích thì làm, không thích thì thôi.

Bạn có thể ngủ cả ngày thứ hai, nhưng làm bù vào ngày chủ nhật, hoặc làm tất cả trong ngày thứ hai và nghỉ cả tuần,… tóm lại chỉ cần bạn đảm bảo được kết quả công việc, còn bạn sắp xếp thời gian làm thế nào là tùy bạn.

Nói như vậy là để bạn hiểu rõ tính chất công việc freelance, còn thực tế, các bạn làm freelancer full time cũng có lịch làm việc không khác gì một người đi làm tại công ty.

Khi làm freelancer, tuy bạn sẽ không có chính sách tốt như đi làm tại công ty, nhưng vẫn là “liều thì ăn nhiều”, nếu bạn biết cách thương thỏa với khách hàng, bạn có thể có thu nhập cao hơn hẳn.

Nếu bạn làm uy tín, bạn sẽ có nhiều khách hàng hơn, nhiều công việc hơn, cũng là bước đầu tiên để bạn xây dựng một team, hoặc xa hơn là thành lập một công ty chuyên làm phần mềm.

Lại là “liều thì ăn nhiều”, làm freelancer đôi khi không có việc để làm, do nhiều nguyên nhân như cạnh tranh với các freelancer khác, việc quá khó…

Bạn cũng sẽ phân tâm vào nhiều việc như tìm khách hàng, lấy yêu cầu từ khách hàng, quản lý rủi ro, các điều khoản hợp đồng,… thay vì chỉ tập trung vào việc code. Đắng nhất là nhiều khách hàng bùng tiền, bùng hợp đồng, hủy kèo trước khi chuyển tiền,…

Để trở thành một freelancer uy tín cũng khó hơn nhiều khi trở thành một nhân viên tốt.

3. Tự làm sản phẩm và đem đi bán

Bạn có thể tự làm các sản phẩm như website, app, game,… và đem đi bán trên các chợ như:

  • themeforestcodecanyon: 2 chợ giành cho các bạn muốn bán sản phẩm là web
  • CHplay, App Store: 2 kho ứng dụng giành cho IOS và Android, giành cho những bạn muốn kiến tiền từ game hoạc app.

Bạn sẽ nhận được tiền khi người dùng mua sản phẩm của bạn, hoặc xem quảng cáo trong ứng dụng của bạn. Thu nhập của cách này cũng rất khó nói, bạn có nhớ anh Nguyễn Hà Đông nổi tiếng với game Flappy bird không?

Mình nghĩ con game này đã giúp anh ý kiếm được rất nhiều tiền, nhưng rõ ràng không phải con game nào cũng tạo ra nhiều tiền như vậy. Và có những sản phẩm dù được đầu tư khá nhiều, nhưng cũng chẳng đem lại xu nào cho tác giả.

Kiếm tiền theo cách này thật sự không dễ, vì việc code một sản phẩm hoàn thiện đã khó, nhưng làm sao cho nó đáng tiền, làm sao để người dùng mua nó, sử dụng nó còn khó hơn.

Bạn sẽ rất thường xuyên gặp phải tình huống “Vừa nghĩ ra một ý tưởng hay, nhưng hóa ra đã có người khác thực hiện rồi, và họ làm rất tốt, bạn gần như không có cửa để làm tốt hơn. Ngay cả khi bạn đã làm tốt hơn, thì việc quảng có nó tới người dùng cũng là một thử thách“. Vì vậy mà hình thức kiếm tiền này thường là một team, hoặc thậm chí cả một công ty thực hiện chứ ít khi là cá nhân.

Nhưng dù bạn chỉ có một mình, thì bạn vẫn nên có một sản phẩm để bán. Vì nếu may mắn, bạn sẽ có thêm một khoản thu nhập và tạo ra thu nhập thụ động (kiếm được tiền ngay cả lúc ngủ).

Làm sản phẩm cũng giúp bạn nâng cao trình độ, giúp bạn hiểu một sản phẩm từ code cho cho tới tay người dùng khó tới mức nào, và nó cũng là một thứ cool ngầu để bạn đưa ra khi phỏng vấn với nhà tuyển dụng.

4. Dạy lập trình

Lập trình đang là một nghề siêu hot, nên cũng không có gì bất ngờ khi có nhiều người muốn học lập trình. Có cầu thì sẽ có cung, có người muốn học thì sẽ có người dạy, và chính bạn đó, nếu bạn tự tin về khả năng truyền đạt, bạn có thể đi dạy lập trình cho người khác.

Một số hình thức dạy lập trình phổ biến hiện này như:

  • Bạn trở thành giảng viên cho một trung tâm dạy lập trình nào đó, và nhận lương hàng tháng. Có thể dạy cả online lẫn offline, nhưng thường là offline.
  • Dạy kèm 1 – 1.
  • Bạn tự mở lớp riêng.
  • Quay video khóa học và bán trên các chợ khóa học online như unica.vnedumall.vnkyna.vn

Một trung tâm dạy lập trình thường trả cho giảng viên theo giờ dạy, khoảng 100k – 300k mỗi giờ. Nếu bạn tự mở lớp, thì có thể thu của học viên từ 2 – 3 triệu mỗi khóa, học từ 20 – 30 buổi, với mỗi buổi chừng 2 – 3 tiếng. Tính ra, nếu đi dạy thêm 2 – 3 buổi mỗi tuần cũng giúp bạn trả đủ tiền nhà trọ.

Nếu bạn có một khóa học trên các chợ khóa học online, thì khi học viên mua khóa học, bạn sẽ nhận được % hoa hồng, từ 15 – 75 %, tùy chợ và tùy hình thức học viên mua (mua trực tiếp hay mua qua link giới thiệu).

Kiếm tiền theo cách này thì dễ, vì nhiều người có nhu cầu học. Nhưng lại khó ở cái “tâm”, làm công việc này mà bạn chỉ lăm le nghĩ tới tiền, nghĩ tới lợi nhuận thì không được. Học viên mất tiền để đi học, thì bạn cũng phải dạy sao cho đáng tiền người ta đóng.

Dạy lập trình một mặt là dạy cho người, nhưng mặt khác cũng là bạn dạy cho mình. Mỗi lần bạn hướng dẫn cho người khác, là một lần bạn ôn lại kiến thức. Bạn cũng học được thêm nhiều kỹ năng mềm khác như kỹ năng thuyết trình, kỹ năng “né” các câu hỏi khó của học viên, kỹ năng quản lý,…

5. Startup

Tấm gương sáng cho lựa chọn này chính là Mark Zuckerberg – ông trùm facebook, Bill Gates – ông trùm “cửa sổ”, Jeff Bezos ông trùm amazon. Mark Zuckerberg và Bill Gates là từng là lập trình viên, còn Jeff Bezos thì từng học khoa học máy tính, và mình rằng ông cũng sẽ biết code. Cả 3 bọn họ đều là những tỷ phú thế giới.

Thực tế có rất nhiều bạn trẻ sau khi ra trường, thay vì đầu quân cho một công ty nào đó thì lại lựa chọn con đường startup. Tuy rằng đây là một lựa chọn mạo hiểm, nhưng bạn đừng quên câu “liều thì ăn nhiều”.

Đây cũng là cách kiếm tiền khó nhất, số tiền kiếm được cũng khó nói nhất. Có khi bạn chẳng kiếm được đồng nào trong nhiều năm đầu, hay lỗ “chổng vó” lên ý chứ. Nhưng nó cũng là cơ hội để bạn viết tên mình vào danh sách các tỷ phú thế giới.

Con đường khởi nghiệp đương nhiên là chông gai, là khó đi. Mình thì cũng chưa “khởi nghiệp” bao giờ nên cũng chỉ biết kể ra như vậy chứ không có lời khuyên gì sâu sắc hơn. Nhưng mà báo đài nói suốt ngày về các tấm gương khởi nghiệp, các câu chuyện khởi nghiệp, cả thành công lẫn thất bại,… bạn có thể tìm lại trên google để tham khảo.

6. Cách khác

Một số cách kiếm tiền khác, ít phổ biến hơn, nhưng vẫn kiếm được tiền:

  • Viết blog: Giống như mình đây, mình có thể đặt quảng cáo trên blog này để kiếm một chút tiền. Nhưng hiện tại thì mình chưa đặt.
  • Làm vlog youtube: Bạn có thể mở một kênh youtube chuyên cho lập trình viên, và kiếm từ từ youtube như nhiều youtuber khác.
  • Viết sách, ebook: Bạn có thể viết sách để bán.

Kết luận

Trên là 5 cách kiếm tiền mà mình biết, và mình cũng đã từng thử 4/5 cách trên (trừ việc startup). Tính đến thời điểm này, mình chỉ đang duy trì việc đi làm ở công ty, thời gian rảnh thì viết blog (đợi ngày có nhiều traffic thì đặt quảng cáo hehe), bạn cũng có thể làm giống mình.

Bạn cũng có thể kiếm tiền bằng cách phối hợp các cách trên như:

  • Ngày đi làm ở công ty, tối cày freelancer.
  • Ngày đi làm ở công ty, tối đi dạy thêm lập trình.
  • Ngày đi làm ở công ty, tối làm sản phẩm đem bán.

Tóm lại là tùy độ “trâu bò” của bạn.

Các bạn có thể tham khảo các bài viết hay về JavaScript tại đây.


Hãy tham gia nhóm Học lập trình để thảo luận thêm về các vấn đề cùng quan tâm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *