NỘI DUNG BÀI VIẾT
Xin chào, tạm gác lại các kiến thức lập trình khô khan, trong bài viết này chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận về một chủ đề trong cuộc sống, một chủ đề mà mình cũng không biết phải gọi tên thế nào, thôi thì tạm gọi là “Lập kế hoạch để đạt được mục tiêu
I. Tôi muốn…nhưng…
Trong cuộc sống, bạn đã bao giờ rơi vào suy nghĩ kiểu rất muốn đạt được một điều gì đấy nhưng lại cảm thấy bản thân không có đủ điều kiện, và sau đó bỏ cuộc ngay cả khi chưa bắt đầu chưa?
Ví dụ
– Năm 30 tuổi mình muốn có 5 tỷ trong tài khoản ngân hàng, thế nhưng mỗi tháng mình chỉ tiết kiệm được có 2 triệu thì làm sao mà đạt được mong muốn trên. Thôi, bỏ cmn cuộc.
– Mình muốn đỗ vào một trường đại học danh giá, thế nhưng mình học ngu như bò thì làm sao đỗ được. Thôi, lại bỏ cmn cuộc.
Suốt thời sinh viên trở về trước, mình luôn có suy nghĩ như vậy, những suy nghĩ dạng như “khó như thế thì làm sao mà làm được“, hay “người ta giỏi thì họ mới làm được, còn mình thì không“. Mặc dù không ai dạy cho cái suy nghĩ tiêu cực đó, thế mà không hiểu sao nó vẫn theo mình suốt 20 năm đầu đời.
Còn bây giờ thì sao? Không, mình không nghĩ như vậy nữa, hoặc ít nhất sẽ không bỏ cuộc trước khi mình thử vạch ra một vài kế hoạch.
II. Hãy lập kế hoạch
Khi được hỏi “bạn có muốn trở nên giàu có không?“, dám cá là 10% sẽ giống như 90% còn lại đều trả lời là “có”, thế nhưng khi hỏi thêm “kế hoạch để trở nên giàu có của bạn là gì?”, thì không phải ai cũng trả lời được. Đương nhiên, việc lập kế hoạch không phải là dễ, và không phải ai cũng có thể tuôn ra câu trả lời ngay sau khi được hỏi câu trên. Nhưng ý mình muốn nói là có những người còn không nghĩ rằng họ sẽ phải lập kế hoạch để đạt được mục tiêu, họ chỉ đơn giản là muốn, còn làm sao để đạt được điều họ muốn thì họ không biết.
Tạm gọi những người có suy nghĩ như trên là thành viên của hội “chỉ muốn” – hội chỉ biết mình muốn gì, chứ không biết làm gì để đạt được điều mình muốn, và mình cũng từng là thành viên của hội này – tức mình bây giờ là cựu thành viên. Vậy điều gì đã khiến mình bị loại ra khỏi hội này, đó chính là biết cách lập kế hoạch.
Mình học được cách lập kế hoạch từ việc học code, qua nhiều lần triển khai các tính năng gấp, mà nghe mình qua sẽ thốt lên “với từng ấy thời gian thì làm sao mà làm được“. Vậy mà khi bình tĩnh lại, ngồi xuống, uống miếng nước, ăn miếng bánh, lập kế hoạch triển khai thì lại thấy bình thường, deadline vẫn là hợp lý, có khi còn dư chút thời gian.
Từ đó trở đi, trước khi làm điều gì, trước khi đánh giá là mình có làm được không (hoặc nên làm hay không) thì mình thường lập trước một kế hoạch.
Ví dụ Kế hoạch có 5 tỷ vào năm 30 tuổi.
Hiện trạng:
– Năm nay mình 25 tuổi, vậy là còn 5 năm nữa.
– Hiện mình đã có x triệu trong ngân hàng, số tiền mình cần tiết kiệm trong 5 năm tới là 5 tỷ – x triệu. Giả sử x là 50, thì mình cần tiết kiệm được 4 tỷ 950 triệu trong 5 năm tới.
– 4 tỷ 950 triệu chia đều cho 5 năm, thì mỗi năm mình cần để ra được 990 triệu, tức mỗi tháng để ra được 82.5 triệu, hay mỗi ngày để ra được 2.75 triệu (giả sử mỗi tháng đều có 30 ngày).
– Hiện tại mình đang kiếm được y trăm nghìn mỗi ngày (ít hơn nhiều so với 2.75 triệu), nghĩa là nếu mình cứ tiếp tục thế này, mình sẽ không thể đạt được mục tiêu sau 5 năm nữa.
Một vài kế hoạch:
(1) Đổi nghề, tức đổi sang nghề nào đó có mức thu nhập cao hơn.
(2) Thăng tiến lên vị trí cao hơn.
(3) Vẫn đi làm tại công ty, thời gian rảnh thì tự phát triển sản phẩm riêng.
Trong các kế hoạch trên, kế hoạch (3) có vẻ khả thi với mình nhất, nên mình quyết định chọn kế hoạch (3). Sau đó, sẽ vạch ra các bước chi tiết hơn nữa, như làm dự án gì, để làm dự án đó thì cần những gì (kiến thức, người, tiền, mối quan hệ), từng mốc thời gian sẽ đạt được gì (sau 1 tháng đạt được gì, 2 tháng đạt được gì)…
III. Một vài mẹo khi lập kế hoạch
3.1 Chuyển đổi mục tiêu thành mục tiêu khác gần gũi hơn
Như trong ví dụ trên, mục tiêu kiếm 5 tỷ sau 5 năm có thể chuyển đổi thành mục tiêu kiếm 2.75 triệu mỗi ngày, vì kiểm soát số tiền kiếm được mỗi ngày sẽ dễ hơn (tức gần gũi hơn) số với số tiền kiếm được theo mỗi năm.
3.2 Giữ vững một trong các yếu tố
Bạn cần xác định được các yếu tố sẽ quyết định việc mục tiêu của bạn có thành công hay không, sau đó, giữ vững một trong số các yếu tố, các yếu tố còn lại sẽ thay đổi theo nó nếu cần thiết.
Ví dụ: Một dự án có 100 tính năng, cần hoàn thiện trong vòng 1 tháng và bạn có sẵn 2 người.
– Các yếu tố quyết định đến sự thành công của dự án: số tính năng, thời gian, và số người tham gia.
– Giả sử, sau khi phân tích, mình nhận thấy rằng không thể hoàn thiện dự án trên, thì mình sẽ giữ vững 1 yếu tố và điều chỉnh các yếu tố còn lại.
– Giả sử giữ nguyên 100 tính năng, thì mình phải tăng thời gian làm, hoặc tăng số người làm, hoặc tăng cả hai.
– Giả sử giữ nguyên số người làm, thì mình phải tăng thời gian làm, hoặc giảm số tính năng, hoặc điều chỉnh cả hai.
– Giả sử giữ nguyên thời gian làm, thì mình phải giảm số tính năng, hoặc tăng số người làm, hoặc điều chỉnh cả hai.
3.3 Có các cột mốc trong kế hoạch
Tùy vào từng mục tiêu mà sẽ có các cột mốc thời gian khác nhau, mục tiêu lớn thì 6 tháng, 1 năm, 1.5 năm, mục tiêu nhỏ thì 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng… mỗi cột mốc sẽ kèm theo một mục tiêu mà bạn phải đạt được.
Có các cột mốc trong kế hoạch giúp bạn so sánh mục tiêu với hiện trạng tốt hơn, bám sát kế hoạch hơn, cũng như có các phương án xử lý kịp thời nếu không đạt được các cột mốc như kỳ vọng.
3.4 Hãy nghĩ tới trường hợp xấu nhất
Mặc dù không mong muốn điều tồi tệ sẽ xảy ra, nhưng bạn nên nghĩ về nó và chuẩn bị sẵn phương án xử lý phù hợp nếu nó thật sự xảy ra. Nhưng cũng đừng nghĩ nhiều tới mức bi quan, và đừng quên việc quan trọng nhất vẫn là hoàn thành đúng kế hoạch.
IV. Lời kết
Chẳng có gì là không làm được cả, có điều là bạn có muốn làm hay không, và bạn làm nó với bao nhiêu % sức lực thôi.
Khi bạn thực sự mong muốn một điều gì, cả vũ trụ sẽ hợp lại giúp bạn đạt được nó – Nhà Giả Kim.
Nguồn: https://phambinh.net/bai-viet/ban-se-lam-duoc-neu-co-ke-hoach/
Các bạn có thể tham khảo các bài viết hay về JavaScript tại đây.
Hãy tham gia nhóm Học lập trình để thảo luận thêm về các vấn đề cùng quan tâm.